BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH THỦY ĐẬU

Thứ hai - 05/12/2022 04:29
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH THỦY ĐẬU
Hiện nay đang là thời gian cao điểm của mùa dịch Thủy đậu, tính đến ngày 15/12/2022 trên địa bàn huyện Yên Dũng xuất hiện 01 ổ dịch tại trường Mầm non Nham Biền số 1 với 24 trường hợp mắc, 6 trường hợp đã khỏi. Dự báo trong thời gian tới số ca mắc tiếp tục tăng cao trên địa bàn. Để chủ động phòng chống dịch bệnh Thủy đậu, hãy cùng với Trung tâm Y tế huyện tìm hiểu về dịch bệnh Thủy đậu.
1. Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm lành tính có khả năng lây lan rất mạnh, do virus Varicella - Zoster gây ra. Virus Varicella - Zoster thuộc họ virus herpes, khi nhiễm lần đầu (nhiễm virus Varicella - Zoster tiên phát) gây nên bệnh thủy đậu. Bệnh sẽ khỏi nhanh nếu được phát hiện sớm và điều tri đúng.
Thủy đậu chủ yếu xuất hiện ở lứa tuổi trẻ em (90% số trường hợp mắc bệnh là trẻ em), tuy nhiên người trưởng thành cũng vẫn có thể mắc thủy đậu. Trẻ em dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc thủy đậu.
2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Các triệu chứng của thủy đậu điển hình xuất hiện trong vòng từ 10 tới 21 ngày sau khi bị phơi nhiễm với virus. Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện thường là cảm giác cơ thể không khỏe, sau đó sẽ biểu hiện các triệu chứng sau:
  • Đau người.
  • Sốt.
  • Cảm thấy cực kỳ mệt mỏi.
  • Cảm thấy dễ bị kích thích.
  • Mất cảm giác ngon miệng.
  • Đau đầu.
Trong vòng 1 hoặc 2 ngày, ban thủy đậu sẽ xuất hiện. Quá trình tiến triển của ban thủy đậu gồm ba pha:
  • Pha đầu tiên trên cơ thể sẽ xuất hiện hồng ban, ban dạng sẩn, xuất hiện rất nhanh và ngứa, số lượng có thể từ 250 tới 500 trên khắp cơ thể. Trong trường hợp nặng ban có thể hình thành cả trong miệng, mắt, hậu môn hoặc cơ quan sinh dục.
  • Sau vài ngày, những ban này hình thành những mụn nước nhỏ chứa đầy dịch (các nang), tồn tại khoảng một ngày trước khi vỡ và giải phóng dịch ra xung quanh.
  • Pha cuối cùng, những chỗ mụn nước vỡ ra khô lại, rồi đóng vảy.
Các ban thủy đậu với các giai đoạn khác nhau xuất hiện đồng thời, xen kẽ, ban ở vị trí này lành thì lại xuất hiện ban ở vị trí khác, và khả năng lây lan virus Varicella - Zoster chỉ kết thúc khi toàn bộ ban trên cơ thể khô và đóng vảy hết.
Bệnh thủy đậu có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như Nhiễm trùng da, Nhiễm trùng huyết, Viêm não, Suy thận...

Hình ảnh cận cảnh khi nhiễm virus thủy đậu Varicella - Zoster:

Nốt bệnh Thủy đậu

3. Cách chăm sóc và phòng bệnh
 
Cách phòng chống tốt nhất là tiêm vắc xin phòng thủy đậu, tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 – 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 – 10 tuần. Khi tiêm chủng cần chú ý những điều sau:
+ Việc tiêm vắc xin phòng thủy đậu không chỉ tiêm với trẻ em, là đối tượng chính của bệnh này, mà còn ở cả người lớn. Những người lớn khi mắc bệnh cũng gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí còn nặng hơn cả trẻ nhỏ nên tiêm vắc xin biện pháp an toàn nhất và hoàn toàn cần thiết. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai từ 2-3 tháng cần đi tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé.
+ Không tiêm vacxin phòng thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.
- Trong khi dịch bệnh có mặt ở khắp nơi thì cách ly với nguồn bệnh là một biện pháp an toàn giúp ngăn chặn lây lan. Không nên đưa trẻ đến những nơi có nguồn bệnh hoặc những nơi nguy cơ lây nhiễm cao khác. Không nên đến những chỗ đông người như bến xe, bến tàu. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi kể trên cần đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó.
- Ngoài ra, bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, vệ sinh cơ thể, giữ tay sạch sẽ, tránh nguồn lây bệnh.
- Bố mẹ cũng có thể tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách cho bé sử dụng các loại thực phẩm chức năng giúp nâng cao sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Ưu điểm nếu đã được tiêm vắc xin phòng thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt và thường là không bị biến chứng.
- Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm vắc xin phòng thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày ta có thể tiêm vắc xin phòng thủy đậu thì vắc xin có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu
* Chữa bệnh thủy đậu cho trẻ nhanh hết
- Cách ly trẻ: Nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu cần cách ly trẻ với những người khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng … phải dùng riêng.
- Vệ sinh chăm sóc trẻ: Rửa tay và cắt ngắn móng tay cho trẻ. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu.
- Cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách: Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn khô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ.
- Đối với khẩu phần ăn hàng ngày cn cho trẻ ăn ung đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
- Đưa bé đi khám bác sĩ: Khi trẻ có các biểu hiện của thủy đậu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (nếu trẻ sốt cao), kháng sinh ( để chống bội nhiễm) và thuốc bôi ngoài da. Việc dùng thuốc gì phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ và phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị và chăm trẻ vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại; các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
* Các quan niệm sai lầm
- Kiêng tắm, kiêng ăn:  vì trên da có rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh, bình thường, chúng chung sống hòa bình với con người nhưng khi mắc thủy đậu, các nốt phỏng trên da hay ở niêm mạc có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, trẻ không chịu được sẽ gãi và làm trầy xước da. Khi đó nếu không được chăm sóc vệ sinh hay tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua nốt phỏng bị vỡ gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thậm chí viêm da nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Do vậy, người bệnh thủy đậu cần tắm hàng ngày bằng nước sạch. Kiêng ăn sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng thêm, giảm sức đề kháng khó lành bệnh.
- Kiêng gió, trùm kín để đổ mồ hôi ra không vào nội tạng. Điều này sai vì càng kín, không thông thoáng càng làm cho trẻ bị nhiễm bệnh nặng hơn.
- Tắm hay uống nước gốc rạ: Không có giá trị chữa bệnh, có thể gây nhiễm trùng thêm hay ngộ độc hóa chất nông nghiệp có trong gốc rạ.
Qua bài tuyên truyền hôm nay,  mong tất cả mọi người hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh thủy đậu. Từ đó tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân, những người trong gia đình và những người xung quanh./.

Tác giả: anhk5c

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi