DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN YÊN DŨNG
Hiện nay, song song với mối nguy vẫn còn hiện hữu từ đại dịch COVID19, chúng ta cũng cần lưu ý tới mối nguy từ các dịch bệnh khác cũng đang hoành hành đe dọa Việt Nam, một trong số đó là Sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra thông qua vết đốt của muỗi vằn. Mọi đối tượng đều có khả năng mắc bệnh, kể cả người lớn và trẻ nhỏ.
Một số triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết như: sốt kéo dài kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban da, đau xương khớp, buồn nôn,… Các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ, nếu không kịp thời thăm khám, bệnh dễ trở nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như:
Sốc do mất máu hoặc bị thoát huyết tương
Viêm đường hô hấp, viêm phổi hoặc phù phổi do thoát huyết tương
Xuất huyết não do mất máu hoặc thoát huyết tương
Suy tim, suy thận
Mù đột ngột do xuất huyết võng mạc
Vì vậy, công tác chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại mỗi gia đình, cộng đồng và việc thăm khám, xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế là hết sức quan trọng, giúp chúng ta có phương án phòng bệnh, điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng và tử vong của bệnh.
Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng:
1. Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết của cả nước
Từ ngày 15/8/2022 đến ngày 21/8/2022 cả nước ghi nhận 10.212 trường hợp (trh) mắc sốt xuất huyết, không tử vong. So với tuần trước (10.765 trh/6 tử vong) số mắc giảm 5,1%. Trong đó, số nhập viện là 7.776/0, so với tuần trước (8.467/6) số nhập viện giảm 8,2%.â
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 169.136 trường hợp mắc (trong đó: Miền nam 133.244 trh, miền Trung 24.849 trh, Tây Nguyên 8.162 trh, miền Bắc 2881 trh). Số trh tử vong là 62 trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (10), Bình Dương (10), Đồng Nai (9), Bình Thuận (5), Đắk Lắk (5), Bình Phước (5), Tây Ninh (4), Bạc Liêu (2), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Hậu Giang (1), Vĩnh Long (2), Gia Lai (1). So với cùng kỳ năm 2021 (45.261/17) số mắc tăng 3,7 lần, tử vong tăng 45 trường hợp.
Số mắc sốt xuất huyết nhập viện theo tuần năm 2022 so với năm 2021
2. Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết tỉnh Bắc Giang
Từ 01/01/2022 đến tháng 19/8/2022, qua hệ thống giám sát đã ghi nhận 100 trh nghi SXHD, tử vong 0, trong đó: 65 trường hợp SXHD (danh sách kèm theo), 09 trh không sinh sống ở Bắc Giang, 26 trh âm tính. Số mắc tăng 61 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ 2021: 4 trh) Các trường hợp mắc có 1 số đặc điểm dịch tễ như sau:
- Thời gian (tính theo ngày khởi phát): Các trh mắc được ghi nhận rải rác từ tháng 4/2/22 đến 16/8/2022, bắt đầu tăng cao từ tuần 21 đến nay. Ngày ghi nhận gần nhất là ngày 16/8/2022, là 01 trh nội địa ở TDP 3 – TT Nham Biền – Yên Dũng (chưa rõ yếu tố dịch tễ).
- Địa điểm: Ghi nhận ở 9/10 huyện, TP (riêng Sơn Động chưa có trh bệnh), trong đó Yên Dũng (19), Tân Yên (11) có số mắc cao hơn các huyện còn lại. 9/9 huyện đều ghi nhận trh xâm 3 nhập (Từ miền nam và 1 số tỉnh khác), 5/8 huyện (Yên Dũng, TP Bắc Giang, Lục Ngạn, Việt Yên và Yên Thế) đã có trh cộng đồng.
- Yếu tố dịch tễ:
+ 48 trường hợp xâm nhập có yếu tố dịch tễ đi từ miền nam trước khi khởi phát 1 tuần;
+ 12 trh ở Yên Dũng (5), TPBG (3), Lục Ngạn (2) , Việt Yên (1) và Yên Thế (1) chưa rõ yếu tố dịch tễ;
+ 05 trh ở TT Nham Biền - Yên Dũng (3) và TDP Minh Khai 1 – TT Chũ – Lục Ngạn (2) bị lây nhiễm thứ phát.
- Ổ dịch: Đã ghi nhận 04 ổ dịch ở TT Nham Biền – Yên Dũng và TT Chũ – Lục Ngạn, với quy mô 2 – 4 ca. Tính đến thời điểm báo cáo 3 ổ dịch cũ đã kết thúc sau 14 ngày không phát hiện trh mắc mới. Ổ dịch mới ở TDP Trường Chinh – TT Chũ – Lục Ngạn đang theo dõi (ca bệnh gần nhất ghi nhận ngày 12/8/2021).
3. Tại huyện Yên Dũng
a, Số trh mắc và tử vong
- Trên địa bàn huyện Yên Dũng tính từ ngày 01/1/2022 đến ngày 24/8/2022 đã xuất hiện 19 trh, 0 trh tử vong, trong đó có 10 trh mắc tại cộng đồng và 9 trh từ vùng có dịch trở về địa phương (TP HCM, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng).
- Thời gian (tính theo ngày khởi phát): Các trh mắc được ghi nhận rải rác từ cuối tháng 6/2022 cho đến nay. Ngày ghi nhận gần nhất là ngày 24/8/2022, là 01 trh nội địa ở TDP 6 - TT Nham Biền - Yên Dũng (chưa rõ yếu tố dịch tễ).
- Địa điểm: Ghi nhận ở 9/18 xã/thị trấn trong đó TT Nham Biền 10 trh, xã Đồng Phúc 2 trh, xã Đồng Việt 1 trh, xã Tư Mại 1, xã Yên Lư 1, xã Hương Gián 1, xã Nội Hoàng 1, xã Tân Liễu 1 và Lãng Sơn 1.
- Yếu tố dịch tễ:
+ 9 trường hợp xâm nhập có yếu tố dịch tễ đi từ miền nam trước khi khởi phát 1 tuần;
+ 5 trường hợp tại TT Nham Biền chưa rõ yếu tố dịch tễ;
+ 5 trường hợp ở TT Nham Biền bị lây nhiễm thứ phát.
- Ổ dịch: Đã ghi nhận 02 ổ dịch ở TT Nham Biền tại TDP1 có 4 trh, TDP6 có 3 trh. Tính đến thời điểm báo cáo 2 ổ dịch cũ đã kết thúc sau 14 ngày không phát hiện trh mắc mới.
- Tính đến thời điểm hiện tại đều được điều trị tại tuyến Y tế cơ sở, trong đó bệnh viện Đa khoa tỉnh (4 trh) và TTYT huyện Yên Dũng (15 trh), khỏi ra viện 18/19 trh, 1 trh đang điều trị.
b. Nhận định tình hình dịch bệnh
Trong thời gian tới có thể ghi nhận số trh mắc SXHD trên địa bàn huyện tăng cùng với sự gia tăng trh bệnh trên toàn quốc cũng như diễn biến thời tiết bất thường. Các trh mắc chủ yếu sẽ là các trh xâm nhập.
Khả năng bùng phát dịch lớn trên diện rộng không cao, vì chưa phát hiện véc tơ truyền
bệnh chính (Aedes Aegypti) trên địa bàn huyện. Tuy nhiên đã phát hiện 02 ổ dịch có thể bị lây truyền tử muỗi Aedes Albopictus (véc tơ phụ) ở khu dân cư TDP1 và TDP6, TT Nham Biền (nơi có quang cảnh nhiều cây, mát mẻ, không nuôi lợn, trâu, bò, muỗi sẽ có xu hướng đốt/chích người nhiều hơn), tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh ở những nơi có sinh cảnh tương tự.
4. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng
Có nhiều biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết mà mỗi chúng ta đều có thể thực hiện được. Dưới đây là một số phương pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng để người dân chủ đồng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại gia đình:
a, 5 biện pháp loại bỏ khu sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng, cung quăng, tiêu diệt bọ gậy:
1. Đậy kín các chum, lu, khạp…chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng.
2. Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy.
3. Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước ( lu, chum, bể..) mỗi 1 tuần 1 lần.
4. Bỏ muối vào chén nước kê chân giường tủ, chân chạn bát, cho thêm cát ẩm vào lọ hoa.
5. Thu gom đồ phế thải quanh nhà như vỏ dừa, lốp xe hỏng, chai lọ vỡ…Lật úp các vật thải có khả năng chứa nước.
b, 5 biện pháp phòng tránh muỗi đốt:
1. Khi ngủ cần ngủ trong màn (mùng) kể cả là ban ngày (vì muỗi vằn thường hoạt động ban ngày)
2. Mặc áo quần dài tay để tránh bị muỗi đốt.
3. Cho người bị mắc bệnh sốt xuất huyết nằm trong màn để tránh muỗi đốt tránh lây lan cho người lành.
4. Dùng mành , rèm tẩm hóa chất diệt muỗi, sử dụng các công cụ diệt muỗi như vợt điện, đèn diệt muỗi,…
5. Diệt muỗi bằng một số loại hóa chất như tẩm màn, phun thuốc,dung bình xịt diệt muỗi, tháp hương muỗi, bôi kem chống muỗi.