BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Thứ ba - 26/09/2023 23:08
BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Bệnh Đau mắt đỏ hay còn được gọi là là bệnh viêm kết mạc được gây ra bởi một số loại siêu virus tác động lên lớp màng của nhãn cầu gây viêm, sung huyết nên được gọi là đau mắt đỏ. Bệnh thường bùng phát vào mùa Hè đến cuối Thu với hai đặc điểm chính:
- Kết mạc mắt của người bệnh bị viêm nhiễm gây đỏ mắt, ghèn mắt, cộm mắt
- Tác nhân gây bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng (virus, vi khuẩn).
Con đường lây truyền bệnh đau mắt đỏ?
  • Chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch nước mắt của người nhiễm bệnh, dùng tay đã nhiễm virus dụi vào mắt.
  • Chạm tay vào các bề mặt có chứa virus rồi dụi tay vào mắt.
  • Lây truyền qua đường không khí (còn đang tranh cãi).
  • Bệnh đau mắt đỏ không lây nếu chỉ nhìn mắt nhau bình thường.
Dấu hiệu nào để nhận biết bệnh đau mắt đỏ?
  • Cộm xốn ở mắt.
  • Chảy nước mắt.
  • Đỏ mắt.
  • Có ghèn mắt.
  • Một số bệnh nhân cũng có biểu hiện chung của nhiễm virus như: đau đầu nhẹ hoặc ho, chảy nước mũi…
  • Người bệnh thường bị một mắt trước, vài ngày sau sẽ bị cả hai mắt.
  • Nếu trong nhà hoặc trường học hoặc nơi làm việc có người bị đau mắt đỏ thì càng củng cố chẩn đoán đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ có dễ nhầm lẫn với các bệnh về mắt khác hay không?
Bệnh đau mắt đỏ ít khi nhầm lẫn với các bệnh mắt khác. Trên 90% trường hợp nếu có yếu tố dịch tễ và có triệu chứng của đau mắt đỏ thì người bệnh đã bị đau mắt đỏ.
Tuy nhiên, có một số bệnh lý về mắt khác nguy hiểm có thể kèm theo hoặc gây nhầm lẫn với đau mắt đỏ như glôcôm, viêm kết mạc kèm viêm giác mạc, viêm nội nhãn, dị vật kết, giác mạc có thể gây mất thị lực không hồi phục nếu không được chẩn đoán sớm và kịp thời. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, tự ý điều trị mà chưa được tư vấn của bác sĩ.
Bệnh đau mắt đỏ có tự khỏi không?
Giống như các nhiễm trùng virus khác, bệnh đau mắt đỏ có thể tự khỏi nếu không bị bội nhiễm (nhiễm thêm loại vi khuẩn khác) hoặc có các biến chứng về mắt (viêm giác mạc, tăng nhãn áp).
Thời gian bệnh kéo dài từ 7-10 ngày khi cơ thể sản xuất đủ kháng thể để thải trừ virus.
Đã bị đau mắt đỏ rồi có bị lại nữa không?
Người bệnh đã bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị lại nếu bị nhiễm một chủng virus khác với chủng ban đầu.
Người bệnh đau mắt đỏ không được xử trí đúng cách có thể gặp biến chứng gì?
  • Có tỉ lệ nhỏ người bệnh sẽ tiến triển thành viêm giác mạc hoặc viêm kết mạc bội nhiễm, khiến thời gian hồi phục sẽ lâu hơn (vài tháng) và có thể ảnh hưởng đến thị lực, đặc biệt khi tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không phù hợp.
  • Nếu đau mắt đỏ là yếu tố gây khởi phát các bệnh lý khác (ví dụ tăng nhãn áp), thị lực có thể mất nhiều hơn.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em và người lớn có khác nhau không?
Đau mắt đỏ ở trẻ em lây lan nhanh hơn vì các em vẫn chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa lây truyền (rửa tay, không dụi mắt, vệ sinh cá nhân). Mặt khác trường học với đặc điểm đông học sinh trong một lớp, các em dễ tiếp xúc với nhau nên lại càng dễ lây bệnh cho nhau.
Sử dụng thuốc ở trẻ em cũng khó hơn vì các bé nhỏ không hợp tác để nhỏ thuốc nên cũng giảm hiệu quả điều trị. Rất may, bệnh đau mắt đỏ thường nhẹ và tự giới hạn.
Người mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị đau mắt đỏ cần làm những gì?
  • Đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
  • Không tự ý mua thuốc có thành phần kháng viêm steroids nhỏ mắt.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân (lọ thuốc nhỏ mắt, mắt kính, khăn lau mặt, khẩu trang…), khử trùng các vật dụng trong nhà.
  • Nếu người bệnh là trẻ em và trong nhà còn có các bé khác nữa thì tốt nhất nên để các bé cách ly nhau, hạn chế tiếp xúc, chơi với nhau. Nên xin nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày để tránh lây lan cho cộng đồng.
  • Nếu chưa thể đi khám bác sĩ ngay, có thể sử dụng nước muối sinh lý (Natri Chloride 0.9%) rửa mắt liên tục, rửa tay thường xuyên.
Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ cho gia đình và cộng đồng
  • Không dùng tay dụi mắt cho dù mắt có cảm giác ngứa, cộm, vì khi dụi mắt sẽ kích thích phản ứng viêm mạnh hơn và cũng tạo điều kiện cho việc xâm nhập của virus. Thay vào đó, có thể nhỏ nhiều lần nước muối sinh lý (Natri Chloride 0.9%) để rửa mắt.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân (lọ thuốc nhỏ mắt, mắt kính, khăn mặt, khẩu trang…)
  • Sát trùng, khử khuẩn các bề mặt làm việc thường xuyên. Giặt lại các đồ vải (chăn, gối, drap nệm) khi trong nhà có người bị đau mắt đỏ.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ sẽ không lây nếu chỉ nhìn mắt nhau bình thường.

Tác giả: Vũ Thị Hoài

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi